Ngày tết kiêng kỵ gì để tránh gặp phải vận xui cho cả gia đình

Ngày tết kiêng kỵ gì? chắc hẳn đây là câu hỏi của rất nhiều người vào đầu năm mới. Các cụ thương có câu “có kiêng có lành” nên đầu năm mới bạn nên hết sức chú ý phải kiêng kỵ những điều dưới đây để cả năm gặp may mắn và bình an nhé.

dau-nam-kieng-ky-gi

Ngày tết kiêng kỵ gì ?

1. Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1

Vào ngày mồng 1 Tết, tuyệt đối không động đến cây chổi, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa và đổ rác trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.

Hơn nữa, sau khi quét nhà, người ta quan niệm phải cất chổi đi. Bởi nếu mùng 1 Tết bị mất chổi là điềm xấu, nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vơ vét mất hết của cải.

2. Kiêng tang tóc, khóc lóc

Người xưa có tục kiêng những chuyện buồn ngày đầu năm. Có tang thì cũng cất khăn tang 3 ngày Tết, nếu có người mất vào 30 Tết thì cũng kiêng không phát tang mà để sau một vài ngày. Người có tang cũng kiêng không sang nhà khác chúc Tết hay xông đất. Đầu năm người ta cũng kiêng khóc lóc, cố gắng hạn chế không cho trẻ khóc, mè nheo đầu năm.

Thực tế, khi có người khóc lóc, đau buồn, hay người có tang đến nhà sẽ mang theo trường khí xấu và gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chủ nhà.

3. Không cho lửa đầu năm

Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.

Nếu như vào đầu năm mới, bạn cho lửa nghĩa là bạn cho đi sự may mắn của bản thân và gia đình. Vì vậy những ngày đầu năm bạn không nên hỏi mượn máy lửa hoặc diêm hay cho cho người khác .

dau-nam-kieng-ky-gi

4. Kiêng cho nước đầu năm

Người xưa cho rằng nước mang lại may mắn cho đầu năm, nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước cũng được coi như tài lộc, nên người xưa cũng kiêng cho nước 3 ngày đầu năm vì sợ mất lộc, mất tiền tài. Do đó mới có phong tục đến đình chùa xin “lộc”… với hy vọng cả năm được may mắn.

5. Không làm đổ vỡ đồ dùng

Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kị.

6. Không vay hay đòi nợ

Đầu năm mới kiêng kỵ vay tiền, đòi nợ tiền bạc. Như vậy sẽ báo hiệu một năm đi vay rồi đi trả của mình, cả năm sẽ không thu được tiền tài vào nhà, rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần.

Bên cạnh đó, nếu cho vay tiền đầu năm còn được quan niệm như “dâng” tài lộc của chính bản thân mình cho người khác.

7. Không tranh cãi, bất hòa

Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.

dau-nam-kieng-ky-gi

8. Kiêng xuất hành, mở hàng, đi lễ ngày xấu

Với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, người xưa khi xuất hành, mở hàng hay đi lễ đầu năm đều chọn ngày giờ tốt. Ngày giờ tốt mỗi năm một khác, không cố định, vì vậy cần tra cứu theo sách lịch. Năm 2015 ngày tốt mở hàng là mùng 1, mùng 2, mùng 6, mùng 8, mùng 9; ngày tốt đi lễ là từ mùng 2 đến mùng 9; ngày tốt xuất hành là mùng 1, mùng 2, mùng 6, mùng 8.

9. Không xuất hành ngày mồng Năm

Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.

10 Xông nhà khi không hợp tuổi

Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn.

Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

11. Không nên ăn những món ăn xui

Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

dau-nam-kieng-ky-gi

12. Không chúc tết khi đang nằm

Chúc tết người đang nằm ngủ được xem là điều kiêng kỵ trong ngày tết mà anh/chị nên ghi nhớ. Bởi ngày xưa, nhà không được chia thành các phòng khách, phòng ngủ,…. Vì thế khi anh/chị đến chúc tết dễ bắt gặp hình ảnh có người đang nằm ngủ vì thức khuya đón giao thừa.

Tuy nhiên anh/chị chớ dại mà chúc tết những người đang nằm đó mà hãy đợi họ dậy rồi mới chúc tết. Bởi ông bà ta cho rằng, nếu chúc tết người đang nằm ngủ thì những lời chúc tốt đẹp của anh/chị sẽ trở thành lời trù ẻo khiến người khác bị bệnh, nằm liệt giường.

13. Kiêng không mở tủ đầu năm

Những ngày đầu năm mới có rất nhiều điều kiêng kỵ cần tránh để năm mới luôn được thuận lợi và bình an. Một trong những điều đó chính là không mở tủ vào những ngày tết, kể cả tủ quần áo hay tủ đựng tiền.

Ông bà ta có quan niệm rằng nếu mở tủ vào những ngày đầu năm mới sẽ khiến dẫn cho năm đó bị thất thoát tiền bạc. Chính vì thế, anh/chị nên chuẩn bị sẵn tiền bạc và quần áo cho những ngày đầu năm để tránh việc phải mở tủ.

14. Kiêng không đóng cửa nhà vào đầu năm

Trong phong thủy, cửa chính là nơi chào đón thần linh. Do đó, người xưa quan niệm, nếu đóng cửa vào những ngày đầu năm đặc biệt là mùng 1 sẽ cản bước chân thần tài và là bất kính với thần linh. Từ đó gia đình có thể cả năm đói kém. Vậy nên bàn đừng đóng cửa vào 3 ngày tết (trừ những lúc đi ngủ) để gặp may mắn nhé.

Những điều kiêng kỵ khác

– Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, với nhiều ý nghĩa, như có muối cho đậm đà, hay dạy cách dè sẻn, hay xóa bỏ trường khí âm, tà ma. Do tính chất thương mại, nhiều nơi cố ép khách đi lễ mua bằng được, khách không mua thì nói những câu không hay, gây lo lắng không cần thiết. Thực tế cũng không cần phải mua.

– Một số nơi kiêng để cối xay trống, nồi cơm trống,… vì cho rằng không may mắn, thiếu ăn.

– Khi đến nhà chơi Tết, kiêng từ chối khi chủ nhà mời uống rượu, ăn bánh dù bạn đang no, hoặc không thích ăn. Tuy vậy cũng đừng quá miễn cưỡng, nếu chủ nhà mời ăn cỗ hay uống rượu mà bạn thấy không thích hợp thì cũng nên tìm lý do từ chối khéo.

– Vào mùng 3, bắt đầu làm lễ hóa vàng để kết thúc tết, nhiều người cho rằng đây là ngày tiễn đưa gia tiên về cõi âm là không đúng.

Trên đây là tổng hợp Ngày tết kiêng kỵ gì để tránh gặp phải vận xui xẻo đến cho gia đình mà chúng tôi tổng hợp. Chúc các bạn đón tết vui vẻ.

You may also like...